Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên
cứu khoa học (NCKH) trong sinh viên (SV) tại các trường được chú trọng đầu tư
nhiều hơn. Có thể thấy qua các số lượng đề tài nộp tham gia các giải thưởng như
“Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, “Giải thưởng sinh
viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành ĐoànThành phố Hồ Chí Minh phát động…
PGS.TS Nguyễn Đình Hiền
dẫn đoàn GV&SV ĐHQN nhận giải thưởng tại Huế
Sinh viên tham gia vào hoạt động NCKH sẽ rèn
luyện được kỹ năng tư duy phản biện và tư duy phân tích - tổng hợp. Trên thực
tế, để thực hiện được các nghiên cứu, sinh viên cần phải tìm, đọc và phân tích
rất nhiều bài báo khoa học, tài liệu nghiên cứu đồng thời viết một báo cáo tóm
lược về những thông tin sẵn có. Ngoài ra, NCKH còn giúp sinh viên mở rộng kiến
thức của bản thân mình sang những chủ đề mới hơn, sâu hơn, vượt ra khỏi những
nội dung được giảng trên lớp. Điều này góp phần tạo nên tinh thần tò mò khám
phá khoa học ở sinh viên và tạo nên động lực học hỏi to lớn trong công việc về
sau.
Bên cạnh đó, kỹ năng giải
quyết vấn đề cũng là một điểm rất tích cực mà sinh viên tham gia NCKH sẽ được
trải nghiệm. Khoa học lúc nào cũng đầy bất ngờ thú vị. Việc làm quen với điều
đó và nắm bắt phương pháp phân tích, giải quyết vấn đề và vượt qua khó khăn sẽ
góp phần tạo cho sinh viên một nền tảng vững chãi trước khi bước vào thị trường
lao động.
Và hơn hết, tham gia NCKH
sẽ xây dựng trong lòng sinh viên một tinh thần chính trực và hướng tới sự trung
thực từ học thuật tới đời sống. Trung thực là giá trị cốt lõi trong việc đào
tạo con người và NCKH là một công cụ vô cùng hiệu quả để nhà trường có thể dẫn
dắt sinh viên cùng nhau đạt được giá trị này. (Thế Hùng – Dân trí 28/8/2018)
Với chính sách khuyến
khích SV tham gia NCKH của Trường Đại học Quy Nhơn như hiện nay, có thể nói SV
nhận được khá nhiều lợi ích.
Thứ nhất, phải kể
đến sự gia tăng đáng kể về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Tham gia
NCKH đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của
mình, do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Thông
qua điều này, kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức phục vụ cho đề tài của các
bạn SV sẽ tăng lên. Thêm vào đó, SV có cơ hội được làm việc cùng với Giảng viên
hướng dẫn nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối với các vấn đề
nghiên cứu.
Thứ hai, hoạt động NCKH
giúp SV tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc cuộc sống
như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, … mà trong
đó quan trọng nhất là khả năng tư duy phản biện độc lập, sáng tạo, nhìn các sự
vật, sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau để có cách hiểu toàn diện nhất.
Đặc điểm của SV hiện nay:
“Tự tin, năng động, sáng tạo.” ( Hải, 2015, Kỷ niệm 65
năm Ngày truyền thống Học sinh, sinh viên) nên các
SV luôn tích cực, không ngại thể hiện ý tưởng mới của mình. Đặc điểm này rất
cần thiết cho hoạt động NCKH. Sự sáng tạo giúp mở ra các hướng nghiên cứu mới,
vấn đề mới. Tính năng động tạo điều kiện cho người nghiên cứu chủ động tìm tòi,
học hỏi, và sự tự tin giúp họ đứng vững với lập trường của mình.
Tóm lại, hoạt động NCKH
trong SV không chỉ có ý nghĩa đối với bản thân SV, mà còn đối với Khoa và Nhà
trường. Vì vậy, Khoa và Nhà trường cần có chính sách hỗ trợ hơn nữa để khuyến khích
sinh viên NCKH. Ngoài ra, trong quá trình lên lớp, các thầy cô, ngoài việc
giảng bài cho SV, cần gợi mở và hướng các bạn đến những vấn đề có thể đào sâu
nghiên cứu nhằm kích thích sự sáng tạo hướng đến NCKH trong SV.