Ngày 30/11/2021, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, Hội đồng KH&CN Tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (Hội đồng) đã tiến hành đánh giá, nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình gan, xác định thể tích và phát hiện bất thường của vùng Gan theo chỉ định dựa trên hình ảnh y khoa chụp cắt lớp vi tính (CT) ổ bụng” do TS. Lê Thị Kim Nga, giảng viên Khoa CNTT - Trường ĐHQN làm chủ nhiệm đề tài.
Hội đồng KH&CN tỉnh nghiệm thu đề tài (Nguồn Lê Tuấn)
Đây là đề tài cấp tỉnh đầu tiên của tỉnh Bình Định nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào thực tế. Đề tài đã thực hiện thu thập 150 bộ dữ liệu ảnh chụp cắt lớp CT ổ bụng trên internet do các tổ chức uy tín cung cấp cho cộng đồng các nhà nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài cũng thu thập và gán nhãn 100 bộ dữ liệu ảnh chụp CT ổ bụng từ các bệnh viện phục vụ cho nghiên cứu của đề tài. Trên cơ sở dữ liệu đã thu thập và gán nhãn, đề tài đã xây dựng mô hình học máy xác định vùng gan trong ảnh CT ổ bụng; phát hiện các vùng bất thường trong gan và xây dựng mô hình gan 3D, xác định thể tích gan. Các kết quả này hỗ trợ cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán một số bệnh liên quan đến gan và đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp với thời gian nhanh hơn, chính xác hơn. Đề tài đã được Hội đồng đánh giá đạt các mục tiêu của đề tài; các sản phẩm của đề tài đảm bảo về số lượng, chất lượng so với hợp đồng đã ký kết. Hội đồng cũng đề nghị TS. Lê Thị Kim Nga phối hợp với các đơn vị thụ hưởng đề tài tiếp tục nghiên cứu và phát triển tiếp những kết quả đã đạt được của đề tài để đẩy mạnh ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong việc khám, chữa bệnh.
TS. Lê Thị Kim Nga chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả trước Hội đồng (Nguồn Lê Tuấn)
Để thực hiện được đề tài, TS. Lê Thị Kim Nga và cộng sự ở Viện ứng dụng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Quy Nhơn, các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định dành nhiều thời gian cho việc thu thập dữ liệu, nghiên cứu các thuật toán học máy để xây dựng mô hình giải quyết các bài toán của đề tài. Kết quả của đề tài bước đầu khẳng định được năng lực nghiên cứu của TS. Lê Thị Kim Nga và nhóm nghiên cứu. Khoa CNTT chúc mừng thành công bước đầu của TS. Lê Thị Kim Nga cùng nhóm nghiên cứu và mong rằng TS. Nga tiếp tục đạt nhiều hơn nữa các kết quả nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo để phục vụ tốt hơn cho việc giảng dạy tại Khoa CNTT.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, tỉnh Bình Định đã định hướng thu hút đầu tư để Quy Nhơn trở thành trung tâm nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó đề tài của TS. Lê Thị Kim Nga như một đánh dấu cho vai trò của Trường Đại học Quy Nhơn trong định hướng của tỉnh Bình Định. Bên cạnh đó, để cung cấp nguồn nhân lực về trí tuệ nhân tạo cho xã hội, Khoa CNTT đang xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Trí tuệ nhân tạo và dự kiến bắt đầu tuyển sinh vào năm 2022. Hy vọng với định hướng đúng đắn của tỉnh Bình Định, Khoa CNTT, Trường Đại học Quy Nhơn góp một phần nhỏ cho việc đưa Quy Nhơn trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của cả nước.
---------------